Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Cách làm vịt quay tại nhà ngon không kém ngoài hàng

Vịt quay là món ăn ngon miệng được rất nhiều người yêu thích. Bạn cũng hoàn toàn có thể tự làm ở nhà ngon không kém ngoài hàng mà còn đảm bảo an toàn nữa. Xin giới thiệu tới các bạn cách làm vịt quay tại nhà vừa dễ vừa ngon nhé!
Nguyên liệu:
– 1 con vịt
– 20ml rượu trắng, một ít gừng giã nhỏ
– 2 cây hành lá
– 2 trái thảo quả, 3 cánh hoa hồi, 2 quả ớt khô
– 10g hạt tiêu nguyên hạt
– 10ml dầu điều
– 30g đường phèn
– 80ml xì dầu
– 10ml mật ong
Cách làm:
– Vịt làm sạch, pha rượu với gừng giã nhỏ rồi xoa đều lên khắp con vịt để khử mùi hôi. Sau đó, rửa sạch và để ráo nước.
– Cho đường phèn, hành lá, thảo quả, hoa hồi, hạt tiêu, ớt khô vào nồi nước đun sôi.
– Chưng dầu điều với xì dầu khoảng 30s rồi đổ hỗn hợp nước ở trên vào.
– Thả vịt vào nồi và đun cho đến khi vịt gần chín, chú ý nước phải ngập vịt. Sau đó, vớt vịt ra rồi để cho ráo nước.
– Đun chảo dầu thật sôi rồi cho vịt vào chao. Trong khi chao, các bạn múc dầu sôi rưới đều lên trên thân vịt để da vịt quay được giòn và vàng.
– Hòa mật ong với 5ml nước, đun sôi tạo thành hỗn hợp sền sệt. Khi da vịt đã vàng đều các bạn quét đều hỗn hợp này lên con vịt cho bóng. Thế là món vịt quay “tại gia” của chúng mình đã hoàn thành rồi đấy!
Vịt quay kiểu này rất thơm, mềm và đậm vị. Các bạn hãy chặt thành những miếng vừa ăn, kèm thêm bát xì dầu thật ngon nữa, đảm bảo món ăn của chúng mình sẽ nhanh chóng hết veo cho mà xem. Chúc các bạn thành công!



Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Trứng tráng kiểu Pháp cho buổi sáng

Trứng tráng là món rất dễ làm và cũng dễ ăn, có thể phù hợp với một bữa sáng nhẹ, bữa trưa và bữa tối. Đó là một món ăn bổ dưỡng và thực hiện rất nhanh.


Theo chuyên gia ẩm thực Tim Cebula của trang Cooking Light, trong rất nhiều kiểu tráng trứng, món trứng tráng truyền thống của Pháp là ngon nhất, và chỉ mất 90 giây để thực hiện món này.
Trứng tráng truyền thống của Pháp đòi hỏi sự khéo léo rất cao: lửa vừa phải, bạn làm quá tay một chút có thể hỏng món ăn. Khi ra thành phẩm, món ăn sẽ có màu vàng (chứ không phải màu nâu), lớp ngoài cùng láng mịn, lớp bên trong trứng vẫn còn dẻo như kem. Các đầu bếp thường được đánh giá qua kỹ năng thực hiện món ăn này. Bếp trưởng người Pháp Raymond Blanc từng tuyên bố: “Nếu 2 phút không thể làm xong món trứng tráng thì cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa”.
Công thức: 
– 1/8 thìa cà phê muối tiêu (bột canh).
– 1/8 thìa cà phê hạt tiêu.
– 4 quả trứng lớn.
– 1 thìa cà phê bơ.
Đập trứng vào bát, đánh tan, trộn đều với muối và hạt tiêu.
Bước 1: Đánh trứng và trải đều ra khắp bề mặt chảo. Đun nóng chảo, cho 1/2 thìa bơ vào chảo, ngoáy đến lúc bơ tan. Đổ 1/2 hỗn hợp trứng vừa đánh vào chảo. Nghiêng chảo để dung dịch trứng chảy, lấp đầy bất cứ lỗ hổng nào.

Bước 2: Gấp một cạnh trứng. Sau khi trứng đóng lại thành một khối mềm và bề mặt phía trên vẫn còn dẻo, dùng xẻng gấp một cạnh lên.

Bước 3: Cuộn trứng thành một vòng kín: Tiếp tục cuộn trứng thành một vòng kín rồi xếp ra đĩa.

Thực hiện phần nguyên liệu còn lại theo các bước tương tự. Cứ hai quả trứng tạo ra một cuộn trứng là phù hợp.

Miến trộn kiểu Hàn Quốc lạ miệng mà ngon


Nguyên liệu:
– 200g miến Hàn Quốc
– 100g thịt bò
– 100g cà rốt
– 1 củ hành tây
– 1 quả ớt chuông đỏ, 2 quả ớt chuông vàng
– 300g rau cải (hoặc rau dền cơm)
– 200g nấm kim châm
– Gia vị: nước tương, dầu mè, mè rang
Phần nguyên liệu này đủ cho khoảng 2 – 3 người ăn
Thực hiện:
Bước 1:
– Ngâm rửa rau thật sạch, cắt thành khúc nhỏ, xào sơ với nước tương và dầu mè, trộn một ít mè rang vào.
Bước 2:
– Rửa sạch củ hành tây rồi xắt nhỏ ra, sau đó xào lên cho đến khi miếng hành trong.
Bạn nhớ chừa một ít hành tây lại để xào với thịt bò nhé!
Bước 3:
– Rửa sạch cà rốt và ớt chuông, xắt thành từng miếng dài vừa ăn rồi xào lên.

Bước 4:
– Ngâm nấm trong nước muối khoảng 20-30 phút cho nấm thật sạch, sau đó cũng xào với dầu mè và nước tương.
Bước 5:
– Xào thịt bò với phần hành tây chừa lại và một ít hành lá cắt khúc.
Bước 6:
– Chần miến đến khi chín thì vớt ra rồi xả nước lạnh vào để sợi miến không bị nát.
Bước 7:
– Cho tất cả các nguyên liệu vừa sơ chế vào một tô lớn, nêm nếm một ít nước tương cho vừa miệng rồi trộn đều lên.

Bạn rắc thêm một ít mè lên món miến trộn để đúng kiểu và thơm hơn nha!







Thơm ngon món sushi cuộn thịt bò

Với  thịt bò, bạn không còn phải lo ngại bởi vị tanh thường thấy của sushi. Vị nấm cùng thịt bò ngọt ngào sẽ khiến bạn yêu thích  này ngay khi thưởng thức.
Nguyên liệu :
– 500 g cơm sushi (cơm trộn giấm)
– 300 g thịt bò luộc, cắt thành dải dài.
– 1 quả bơ, cắt miếng dài
– Nấm hương
– Rong biển để cuộn
– 40 g đường
– 20 ml nước tương
Thực hiện
– Thịt bò thía miếng mỏng, dài. Bơ gọt vỏ, cắt miếng dọc.
– Ngâm nấm hương khô trong nước ấm đến khi mềm. Giữ lại phần nước ngâm sau khi đã lọc bỏ cặn. Rửa sạch nấm rồi thái nhỏ. Đật nấm vào lại nước ngâm, thêm đường và nước tương rồi xào tất cả trong lửa nhỏ.
– Xào cho đến khi nước gần cạn. Tắt bếp, để nguội.
– Đặt miếng rong biển lên một tấm nilon, nhúng ướt tay, mắm một nắm cơm sushi rồi trải đều lên phía đầu khoảng 3/5 miếng rong biển, nhấn chật xuống để cơm dính vào rong biển. Lật miếng rong biển để mặt gạo tiếp xúc với miếng nilon, đặt thịt bò, bơn nấm lên trên, rồi nhẹ nhành cuộn chắc lại. Bạn có thể dùng miếng cuốn bằng tre để sushi cuộn được chắc chắn. Dùng dao sắc nhúng qua nước rồi cắt miếng sushi.
Phục vụ sushi cùng nước tương hoặc wasabi đều rất ngon miệng.
Với món sushi thịt bò, bạn không còn phải lo ngại bởi vị tanh thường thấy của sushi. Vị nấm cùng thịt bò ngọt ngào sẽ khiến bạn yêu thích món sushi này ngay khi thưởng thức.

Làm mỳ Ý ngon mà không khó

cách làm món mì ý thơm ngon, lại vô cùng đơn giản, giúp bạn có bữa ăn ấm áp bên gia đình.
Nguyên liệu dành cho 4 người ăn:
– 100g thịt bò băm
– 5 quả cà chua
– 1/3 củ hành tây
– 1-2 củ tỏi – 1 quả dưa chuột
– 1 gói mì ý
– Dầu ăn – Muối – Hạt tiêu xay
Cách làm:
Giai đoạn 1: sơ chế nguyen liệu
– Thịt bò băm cho vào bát, cho thêm 1 thìa café muối, 1 thìa café dầu ăn, hạt tiêu , trộn đều.

– Cà chua rửa sạch, trần qua nước sôi, cắt đôi bỏ sạch hạt, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn.
– Hành tây lột vỏ, rửa sạch, băm nhỏ.
– Tỏi lột vỏ, băm nhỏ.
– Dưa chuột rửa sạch, gọt vỏ, thái lát vừa ăn.
Giai đoạn 2: luộc mì
– Cho 2 lít nước lạnh vào nồi và đun sôi, cho 2 muỗng café dầu ăn, 1 thìa café muối vào nồi nước.
– Thả lượng mì vừa đủ ăn vào nồi (mì không để chụm lại mà để tơi ra để sợi mì ko dính vào nhau) Chú ý: ở bước này, sau khi mì đã nằm hoàn tòan trong nước, bạn tiếp tục đảo mì cho sợi mì tơi, không dính nhau từ 2-3”). Thời gian luộc mì được ghi ở trên bao bì gói mì.( trung bình từ 8-10’)
– Mì chín, vớt ra rá (rổ) để ráo nước

Giai đoạn 3: làm nước sốt
– Đầu tiên, bắc chảo, cho 1 chút dầu ăn, cho tỏi băm vào phi thơm.
– Tiếp đến, cho hành tây vào đảo đều. Khi hành tây ngả sang màu trong trong, cho tiếp cà chua xay vào, thêm 1 thìa café muối.
– Khi cà chua sệt sệt lại thì cho tiếp thịt bò băm vào đảo đều cho thịt bò tơi ra. Nếu thấy sốt sau khi đun bị đặc thì cho thêm chút nước lạnh.
– Thịt bò đã chín và gia vị vừa ăn, bắc chảo ra, tắt bếp.
Trình bày món ăn
Chia mì ra 4 đĩa, đổ nước sốt vừa đủ lên đều 4 đĩa, cho thêm vài lát dưa chuột trang trí. Có thể cho vào đĩa mì thêm tương ớt và ketchup tùy khẩu vị. Món mỳ Ý nhâm nhi cùng một chút rượu vang đỏ của Pháp sẽ tăng thêm hương vị hấp hẫn.

Chúc các bạn thành công và ngon miệng!



Bánh gạo (Tteokbokki) – món ngon xứ Kim chi

Tteokbokki hay còn gọi là bánh gạo xào cay là một phần của ẩm thực cung đình Hàn Quốc trong triều đại Joseon. Được bắt nguồn từ Tteok jjim, loại bánh này được xem như biểu tượng văn hóa điển hình của đất nước và con người Hàn Quốc. 

Tteobokki bắt mắt bởi màu đỏ tươi rất mời gọi và xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ những quán ăn đường phố cho đến những nhà hàng sang trọng. Vị cay nồng của món ăn làm ấm lòng bất cứ ai, từ trẻ con, thanh niên cho đến người già, trở thành món ăn đường phố yêu thích ở đất nước Hàn Quốc. Trên khắp các phố Hàn Quốc mùa tuyết rơi, tteokbokki càng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Tteokbokki còn xuất hiện nhiều trên phim ảnh, như một hình thức quảng cáo về văn hóa ẩm thực với bạn bè thế giới.
Tteokbokki ngày nay được chế biến từ bánh gạo garaetteok, tương ớt gochujang  thịt, trứng, gia vị và rau. Bên cạnh đó, tteokbokki còn được xào cùng với nhiều thành phần khác như thịt bò, giá đỗ, hành, nấm, cà rốt, hành tây, chả cá, các loại hải sản, thịt nguội, cá ngừ, mì chiên… tùy theo sở thích của người dùng. Gochujang cay nồng được làm từ ớt tươi cùng các loại gia vị, giúp tạo màu đặc trưng và là linh hồn của món ăn.
Nguyên liệu chế biến
Các loại bánh gạo garaetteok dùng để xào cũng đa dạng về hình dạng và màu sắc khiến món tteokbokki ngày càng trở nên phong phú.
Để chế biến Tteokbokki, trước tiên bạn phải làm nóng chảo dầu và phi thơm hành tỏi. Sau đó cho nước dùng, tương ớt gochujang vào. Nếm gia vị vừa miệng sau đó cho bánh gạo vào. Cuối cùng cho các loại thực phẩm đi kèm vào đảo đều cho đến khi mọi thứ chín và nước đặc sánh lại. Rắc mè trắng, hành cắt khúc lên trên cùng để hoàn thiện món ăn.

Những du khách lần đầu thưởng thức Tteokbokki, nếu chưa quen hoặc không ăn được cay hẳn phải lè lưỡi vì gochujang. Tuy nhiên, những người thích ăn cay không khỏi xuýt xoa và thưởng thức Tteokbokki rất ngon lành. Những miếng bánh nếp thân tròn, cắt khúc vừa miệng, trông nhỏ xinh được bao bọc bên trong lớp nước sốt đỏ rực, đặc quánh có vị đậm đà, cay tê lưỡi được người Hàn Quốc ưa thích nhất khi dùng nóng.
Nếu muốn thưởng thức Tteokbokki và trải nghiệm văn hóa ẩm thực của Hàn Quốc ở Hà Nội, bạn có thể tham khảo một số địa chỉ như: Các nhà hàng chuyên bán đồ ăn Hàn Quốc trên đường Kim Mã, Đào Tấn, nhà hàng Hàn Quốc Little Korea ở Xã Đàn hoặc cổng trường trung học phổ thông Kim Liên. Nếu ở TP HCM, bạn có thể đến chợ Phạm Văn Hai trên đường Lê Văn Sỹ. 

Những thực phẩm tốt cho người huyết áp thấp

Thực phẩm là yếu tố vô cùng quan trọng với những người bị bệnh huyết áp thấp. Dưới đây là những loại thực phẩm tốt cho người mắc bệnh này.


Đối với những người bị huyết áp thấp, chế độ ăn uống đóng vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến việc điều trị để duy trì mức huyết áp bình thường. Dưới đây là những loại thực phẩm tốt cho người huyết áp thấp.

Nho khô


Đây chính là một bài thuốc rất tuyệt vời dành cho những người bị huyết áp thấp. Nho khô giúp hỗ trợ hoạt động của tuyến thượng thận nhờ đó duy trì chỉ số huyết áp ở mức bình thường.
Để có hiệu quả bạn ngâm qua đêm từ 30 đến 40 quả nho khô trong 1 cốc nước, sáng hôm sau ăn những quả nho này lúc đói. Bạn hãy kiên trì áp dụng cách này ít nhất trong vòng 1 tháng.

Sữa và hạnh nhân – những thực phẩm tốt cho người huyết áp thấp


Bạn đem 4 đến 5 quả hạnh nhân ngâm trong nước. Sau 1 đêm bóc vỏ rồi say nhuyễn. Trộn thêm 1 cốc sữa vào trong hỗn hợp vừa say và uống. Bạn thực hiện vào mỗi sáng trong vài tuần. Cách này cũng sẽ giúp kích hoạt tuyến thượng thận, nhờ đó điều trị huyết áp thấp.

Cà rốt


Cà rốt giúp cân bằng huyết áp
Nước ép của cà rốt được cho là giúp cải thiện tuần hoàn máu và cân bằng chỉ số huyết áp. Mỗi ngày vào 2 buổi sáng – chiều, bạn cho 2 thìa mật ong vào trong 1 cốc nước cà rốt rồi uống lúc đói, duy trì theo cách này bạn sẽ thấy rất hiệu quả.

Muối

Thành phần Natri trong muối làm tăng huyết áp vì vậy những thức ăn chứa muối sẽ tốt cho người huyết áp thấp. Tuy nhiên bạn không nên sử dụng quá nhiều vì khi thừa sẽ gây ra nhiều vấn đề lâm sàng khác.

Húng quế

Trong lá húng quế có chứa nhiều vitamin C, B5, các chất kali, magiê có tác dụng trong việc kiểm soát được bệnh huyết áp thấp. Vào mỗi buổi sáng bạn có thể nhai từ 4 đến 5 lá húng quế hoặc uống 1 thìa nước lá uống quế pha thêm chút mật ong khi đói.

Chanh

Nước chanh cũng rất phù hợp với người huyết áp thấp nhờ có tác dụng giảm mất nước. Trong nước chanh còn chứa nhiều chất chống ô xy hóa giúp điều hòa việc tuần hoàn máu, duy trì được huyết áp. Để chỉ số huyết áp được kiểm soát, bạn hãy uống 1 cốc nước chanh, pha thêm chút đường và muối.

Tỏi

Tỏi là một loại gia vị có rất nhiều công dụng với sức khỏe, một trong số đó là giúp ổn định huyết áp. Mỗi ngày trước khi đi ngủ khoảng 1 giờ bạn ăn 2 tép tỏi sống hoặc sử dụng tỏi khi chế biến các món ăn thường xuyên.

Cam thảo

Cam thảo là 1 vị thuốc trong đông y, trong đó rễ cam thảo có tác dụng cân bằng chỉ số huyết áp gây ra bởi hàm lượng cortisol trong máu thấp. Các hợp chất có trong thành phần của cam thảo sẽ phân hủy cortisol. Để sử dụng bạn cho rễ cam thảo sấy khô hoặc đã được tán bột vào cốc nước sôi uống như trà. Bạn sử dụng loại “trà” này trong vài ngày sẽ thấy có tác dụng hiệu quả.

Các loại thực phẩm chứa caffein

Những loại thực phẩm chứa caffein như cola, sô cô la nóng và nhiều loại đồ uống phổ biến hiện nay có tác dụng tăng huyết áp tạm thời do gây ức chế hoạt động của hormon làm giãn động mạch hoặc kích thích giải phóng hormon ở tuyến thượng thận.
Vì vậy bạn hãy uống một cốc cà phê mỗi sáng hoặc trong bữa ăn nếu thường xuyên bị huyết áp thấp.

Công dụng của quả bưởi trong việc chữa bệnh

Bưởi không chỉ là một loại quả quen thuộc dùng để giải khát mà bưởi còn có rất nhiều công dụng hữu ích trong việc chữa bệnh. Cùng khám phá những công dụng của quả bưởi và các bài thuốc dân gian từ loại quả này.

Công dụng của quả bưởi

Theo đông y, cơm bưởi vị ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng trị ho, tan đờm, điều chỉnh khí huyết, kiện tỳ, giải rượu, giúp trị các triệu chứng chướng bụng, buồn nôn, ăn không tiêu,... Vỏ bưởi chứa tinh dầu phần chủ yếu là xitronelol, vị cay, đắng, ngọt, tính ấm cũng có công hiệu trị ho, giảm đau, tiêu thực, đau chướng bụng do lạnh...
Hạt bưởi đắng, tính ấm, chứa nhiều chất béo, có tác dụng trong việc trị thoát vị bẹn, sa đì, v.v...
Hoa bưởi đào có vị cay, đắng, tính ôn, giúp tiêu phong thấp, phong hàn, tan đờm, tiêu thức, chữa ho, ngứa cổ, tức ngực, buồn nôn, ăn không tiêu.
Ngoài ra trong thành phần của bưởi còn chứa các vitamin B1, B2, C, PP, chất đường, sắt, phốt pho, caroten... glucôxit có trong vỏ bưởi giúp chống viêm, diệt vi trùng, nước quả bưởi có thể hạ đường huyết.

Các bài thuốc từ quả bưởi

Chữa nôn ọe ở phụ nữ có thai
Lấy 5 đến 8 quả bưởi, đem bỏ hạt, vắt lấy nước đun nhỏ lửa cho sôi, cho thêm 500g mật ong, thêm vào 100g đường, 10ml nước gừng tươi đun đến khi thành dạng sệt rồi đổ vào lọ dùng dần. Uống 2 lần/ngày, mỗi lần dùng 1 thìa pha cùng nước sôi.
Chưa ho nhiều đờm
Tách lấy múi bưởi, bỏ hạt rồi cắt nhỏ, cho vào bình rộng, cho ngập rượu vào rồi đem đun nhừ, cho thêm mật ong. Thỉnh thoảng xúc 1 thìa ngậm nuốt dần trong miệng.
Chữa ăn không tiêu
Rửa sạch vỏ bưởi, gọt qua lớp ngoài rồi cắt nhỏ thành sợi, cho thêm đường kính rồi ngâm trong 1 tuần. Dùng 2 đến 3 lần/ngày, mỗi lần uống 15g.
Họng ngứa, ho, đờm loãng máu trắng
Bưởi đào 10g trộn với nước và đường kính, đem xay ép rồi chắt lấy nước, uống thay nước chè.
Chữa đầy bụng, ăn uống không tiêu, đau bụng
Vỏ bưởi (12g), vỏ quýt (12g), 3 lát gừng tươi đem sao khô cho vàng  rồi sắc với 300ml nước, đun đến khi còn 100ml. Mỗi ngày uống 2 lần khi còn nóng.
Người già ho lâu ngày
Đun chín cùi bưởi với đường phèn, uống 50-100g mỗi ngày.
Chữa ho khan
Vỏ bưởi đem nghiền thành bột rồi đun với ngư tinh (có thể mua ở các cửa hiệu thuốc bắc). Dùng 4 lần/ngày, mỗi lần từ 3 đến 6g.
Chữa tức ngực đau sườn, giải uất trong gan
Vỏ một quả bưởi đem nướng cháy rồi cạo vỏ ngoài, ngâm vào nước sạch trong 1 ngày để hết đắng. Sau đó cắt vỏ bưởi thành các miếng vừa ăn, đun cùng với nước đến khi gần chín cho thêm vào 2 củ hành, muối, dầu ăn. Món này ăn kèm trong bữa ăn sẽ có tác dụng chữa tức ngực đau sườn, giải uất trong gan.
Giải cảm
Nhờ chứa rất nhiều tinh dầu nên vỏ bưởi có tác dụng trị cảm cúm, thường được dùng để nấu nồi xông giải cảm.
Ngừa tai biến do vỡ mạch, hạ huyết áp
Các flavonoid có trong vỏ bưởi như naringosid, diosmin, hesperidin, diosmetin, hesperitin… có tác dụng bảo vệ thành mao mạch, giảm tính thấm, mao mạch sẽ được đàn hồi và vững chắc hơn, nhờ đó giảm ngừa được tai biến do vỡ mao mạch đồng thời gián tiếp giúp giảm huyết áp.
Kích thích mọc tóc
Như đã nói ở phần trên, trong vỏ bưởi chứa rất nhiều tinh dầu. Bạn chỉ cần lấy vỏ bưởi xoa lên da đầu sẽ giúp kích thích lỗ chân lông, phòng ngừa rụng tóc hoặc hói tóc.

Cách làm trà sữa Thái "thứ thiệt" uống là ghiền

Tín đồ của trà sữa Thái Lan sẽ không bỏ qua bài viết này. Hướng dẫn cách làm trà sữa Thái Lan chuẩn vị cực ghiền. Cách tự pha trà sữa Thái mát lạnh giải nhiệt

Trà sữa Thái là món đồ uống được các bạn trẻ Việt yêu thích nhất trong mùa hè năm nay. Trà Thái còn có tên gọi khác là cha-yen, có xuất xứ từ đất nước chùa vàng và là một thức uống rất phổ biến của người dân nơi đây. Chỉ cần đặt chân đến Thái Lan, bạn sẽ thấy trà sữa Thái xuất hiện ở mọi hàng quán, mọi ngóc ngách. Giống như Việt Nam, trà sữa Thái cũng phổ biến như trà đá, nước sâm, đá me hay cà phê sữa đá vậy. Hôm nay hãy cùng với Lamsao học cách làm trà sữa Thái chuẩn vị để thưởng thức các bạn nhé!
Nguyên liệu:
- Bột trà thái (làm từ các thành phần sau: trà đen, me, quế, nước hoa cam, sao hồi và vani, mua hỗn hợp đóng gói sẵn sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian mà vị cũng tương tự)
- Lưới lọc trà (giúp trà nở đều và mẻ trà sẽ ngon hơn)
- 45ml sữa đặc
- Đường
Cách làm:
Khi nước sôi, bạn cho bột trà vào.
Đun tiếp cho đến khi nước trà sôi lên.
Bạn thêm đường vào cùng.
Nấu thêm 5 phút nữa.
Sau đó, bạn nhấc nồi ra khỏi bếp và để trà nguội đi trong vòng 10 phút.

Đặt rây lọc vào một chiếc cốc, bạn rót trà qua rây này để lọc bỏ phần bã trà nhé. Đặt trà vào tủ lạnh trong 30 phút hoặc đến khi nước trà Thái lạnh nha.
Lấy một chiếc cốc sạch, bạn cho đá viên vào trước rồi đổ nước trà Thái vào.
Tiếp tục, đổ thêm phần sữa đặc vào.
Khuấy đều lên là bạn đã hoàn thành xong cách làm trà sữa Thái rồi đó.
Chúc bạn thực hiện thành công cách làm trà sữa Thái!








Bát bún bề bề ấm lòng sáng đầu tuần

Món bún bề bề với thịt bề bề tươi ngon cùng nước dùng ngọt tự nhiên, thơm vị hải sản sẽ khiến cả gia đình ấm lòng sáng đầu tuần trời lạnh. Cách nấu bún bề bề cũng không khó, các bạn hãy thử nấu cho gia đình thưởng thức nhé!

Nguyên liệu:
- Bề bề: 500 gr
- Bún tươi: 1kg
- Xương đuôi lợn: 400 gr
- Đậu phụ: 3 bìa
- Rau cần: 1 mớ nhỏ (hoặc dùng rau cải ngọt tùy vào sở thích)
- Cà chua: 2 quả to
- Hành hoa, mùi tàu (hoặc thì là), hành khô
- Tương ớt, chanh, mắm, hạt nêm, gia vị.
Cách làm :
Để nấu nước dùng được ngọt hơn, bạn nên mua xương đuôi lợn để ninh nhé! Đầu tiên cho đuôi lợn rửa sạch, cho vào nồi đun sôi để chắt bỏ nước luộc cho sạch bọt bẩn. Cho xương trở lại nồi, đổ nước, ninh nhừ xương để làm nước dùng.
Bề bề cho vào rổ, xóc đều dưới vòi nước chảy để rửa sạch. Cho bề bề vào nồi, thêm 1 mẩu gừng và 1 củ hành đập dập, cho nồi bề bề lên bếp, luộc chín bề bề (không cần đổ nước vì trong lúc đun bề bề sẽ tự ra nước).
Để bóc vỏ bề bề, bạn dùng kéo cắt bỏ đầu và 2 bên mép dọc thân bề bề, bóc bỏ phần vỏ cứng của bề bề, lột lấy phần thịt bề bề. Phần vỏ và đầu của bề bề, xay nhỏ, lọc lấy nước cho vào nước dùng cho thêm ngọt.
Đậu phụ cắt miếng nhỏ, rán chín vàng các mặt.
Rau cần nhặt rửa sạch, để ráo nước rồi thái khúc ngắn.
Hành khô thái mỏng, phi cho hành bắt đầu chuyển màu hơi vàng thì vớt ngay ra.
Gạn bớt dầu ăn vừa phi hành ra bát, cho cà chua thái miếng vào xào cho cà chua chín, dùng thìa dằm nhuyễn. Đổ cà chua đã xào chín vào nồi nước dùng. Nêm mắm, gia vị hạt nêm cho vừa miệng.
Nào, giờ chuẩn bị xếp bún và các loại rau ăn kèm vào nhé! Đầu tiên bạn nhớ chần bún qua nước sôi cho nóng. Sau đó bạn chần tiếp rau cần rồi xếp đậu, hành, mùi tàu (hoặc thì là) thái nhỏ, bề bề, hành phi vào bát bún.
Chúc các bạn thực hiện thành công!